6 công cụ truyền thông Marketing tích hợp (IMC) cần biết
Việc hiểu và biết cách ứng dụng 6 công cụ truyền thông Marketing là một yếu tố không thể thiếu đối với những người “dấn thân” vào cái nghề này, dù vừa chập chững bước vào nghề hay đã lâu năm. Trong bài viết này, Trust Media sẽ cung cấp các kiến thức về công cụ truyền thông Marketing phổ biến và được sử dụng nhiều nhất hiện nay!
Truyền thông tích hợp (IMC) là một thuật ngữ không còn xa lạ với những người làm Marketing trong thị trường hiện nay. Khi doanh nghiệp muốn truyền tải một thông điệp hoặc giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, họ mong muốn khách hàng cần hiểu rõ và hiểu đúng về ý nghĩa và sứ mệnh của chúng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ, nhiều nguồn thông tin không chính xác về doanh nghiệp thường xuyên xuất hiện, điều này đã dẫn đến sự hiểu lầm và ảnh hưởng đáng kể đến quá trình tiếp cận khách hàng mục tiêu và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, 6 công cụ truyền thông tích hợp (IMC) đã trở thành một công cụ quan trọng giúp giải quyết vấn đề này.
Công cụ truyền thông Marketing Quảng cáo (Advertising)

Quảng cáo là một trong 6 công cụ truyền thông Marketing phổ biến nhất hiện nay. Được định nghĩa là một hình thức truyền thông được trả tiền nhằm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu và thuyết phục khách hàng mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ.
Đây là một công cụ tiếp thị hiệu quả, có khả năng tạo ra hình ảnh hoặc tính cách thương hiệu nhanh chóng và thuyết phục nhất. Điều này đã làm cho quảng cáo trở thành hình thức truyền thông tiếp thị phổ biến nhất, đồng thời được các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nhằm mục đích quảng bá sản phẩm/dịch vụ đến gần hơn với nhu cầu của người tiêu dùng.
Quảng cáo mang lại những ưu điểm đáng kể như:
- Tạo hình ảnh và tính cách thương hiệu: Quảng cáo là công cụ truyền thông Marketing giúp xây dựng và tạo nên hình ảnh, tính cách độc đáo cho thương hiệu. Nhờ vào việc sử dụng hình ảnh, âm nhạc, slogan và thông điệp, quảng cáo gợi lên cảm xúc và kích thích sự nhận biết thương hiệu từ phía khách hàng.
- Tiếp cận đối tượng lớn: Hình thức truyền thông này cho phép tiếp cận đối tượng rộng lớn một cách hiệu quả. Nhờ vào các kênh truyền thông như truyền hình, radio, báo chí, quảng cáo trực tuyến và mạng xã hội, thông điệp quảng cáo có thể lan tỏa đến hàng triệu khách hàng tiềm năng.
- Công cụ quan trọng trong IMC: Nó còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược truyền thông tích hợp (IMC) của doanh nghiệp. Giúp đẩy mạnh sự xuất hiện của thương hiệu trên nhiều nền tảng truyền thông và đảm bảo thông điệp nhất quán đến đối tượng mục tiêu.
Ngoài việc sử dụng quảng cáo để quảng bá sản phẩm và dịch vụ, nó còn được sử dụng trong các chiến dịch vì cộng đồng. Một ví dụ nổi bật là chiến dịch Graham, từng đoạt giải Cannes với mục tiêu tạo ra ý thức về tình trạng ô nhiễm môi trường và thúc đẩy hành động bảo vệ môi trường từ cộng đồng.
>>>Tìm hiểu thêm: 5 bước triển khai Performance Digital Marketing hiệu quả cao
Tiếp thị trực tiếp (Direct Marketing)
Đây là công cụ truyền thông Marketing có khả năng tiếp cận khách hàng thông qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông để tiếp thị sản phẩm, dịch vụ trực tiếp tới đối tượng mục tiêu.
Mục đích chính của tiếp thị trực tiếp là tăng doanh số bán hàng và tạo ra phản hồi ngay tại thời điểm giao dịch. Điều này đặc biệt hữu ích khi doanh nghiệp muốn thúc đẩy việc mua hàng hoặc hành động từ khách hàng trong thời gian ngắn.
Có một số hình thức tiếp thị trực tiếp phổ biến như:
- Bán hàng trực tiếp: Đây là việc doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với khách hàng thông qua việc tư vấn, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ và thực hiện giao dịch trực tiếp với họ. Ví dụ, các doanh nghiệp có thể bán hàng trực tiếp thông qua cửa hàng, showroom hoặc các sự kiện trưng bày sản phẩm.
- Tiếp thị qua điện thoại (Telesales Marketing): Hình thức này thường tiếp cận khách hàng bằng cách gọi điện trực tiếp và giới thiệu sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu. Lúc này, doanh nghiệp có thể chủ động tạo sự tương tác trực tiếp với khách hàng và cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm để thuyết phục họ mua hàng.
- Tiếp thị qua email (Email Marketing): Một cách khác là sử dụng email để gửi thông tin tiếp thị và quảng cáo đến khách hàng. Email Marketing có thể được sử dụng để giới thiệu sản phẩm mới, cung cấp ưu đãi và khuyến mãi, hay đơn giản là duy trì mối quan hệ với khách hàng hiện tại.
Trong thời đại kỹ thuật số, tiếp thị trực tiếp đã trở nên phong phú và đa dạng hơn khi truyền thông được thúc đẩy bởi dữ liệu và phân phối trên nhiều nền tảng khác nhau. Một số công ty như Tupperware, Nutrimetics và Amway đã thành công trong việc tập trung vào tiếp thị trực tiếp thông qua các nhà thầu độc lập để bán sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng. Trong khi đó, những thương hiệu khác như ASOS chủ yếu tập trung vào bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bán lẻ như Myer và Foot Locker đã thành công khi kết hợp cả hai hình thức tiếp thị trực tiếp và trực tuyến để tiếp cận khách hàng một cách toàn diện và hiệu quả.
Khuyến mại (Sales Promotion)

Một công cụ truyền thông Marketing khác đáng chú ý là khuyến mại hay còn được gọi là xúc tiến bán hàng. Đây là một hoạt động tiếp thị nhằm cung cấp thêm giá trị cho lực lượng bán hàng, nhà phân phối hoặc người tiêu dùng với mục tiêu thúc đẩy doanh số bán hàng. Chương trình khuyến mại thường được chia thành hai loại chính: khuyến mại định hướng người tiêu dùng và khuyến mại định hướng thương mại.
- Khuyến mại định hướng người tiêu dùng: Loại này nhắm mục tiêu khuyến khích và thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng ngay lập tức. Các hình thức khuyến mại định hướng người tiêu dùng bao gồm phiếu giảm giá, cung cấp hàng mẫu miễn phí, giảm giá trực tiếp, tổ chức các cuộc thi, rút thăm trúng thưởng và các phương pháp khác tại điểm bán.
- Khuyến mại định hướng thương mại: Loại này lại nhắm vào các trung gian tiếp thị như nhà phân phối, bán buôn hay nhà bán lẻ để quảng bá sản phẩm của công ty. Các hình thức khuyến mại định hướng thương mại bao gồm phụ cấp khuyến mại và hàng hoá, ưu đãi giá, tổ chức các cuộc thi bán hàng và triển lãm thương mại.
Một ví dụ điển hình về khuyến mại đáng nhớ là năm 2018, khi Adidas và BVG (Công ty vận tải đô thị Berlin) đã hợp tác để tạo ra một chiến dịch khuyến mại độc đáo. Được biết đến với tên gọi “Ticket Sneaker,” họ tung ra phiên bản giới hạn của đôi giày EQT Support 93/Berlin với giá chỉ 153 USD (giá gốc là 619 USD).
Điều đặc biệt là người mua giày này được hưởng lợi thêm bằng việc có thể sử dụng giày làm vé điện thoại di động trên các phương tiện giao thông công cộng của Berlin trong cả năm. Điều này đã tạo ra một làn sóng cuồng mua hàng giày với hàng trăm người dân xếp hàng dưới tuyết trong nhiều ngày để sở hữu đôi giày và tiết kiệm phí vé đi lại.
Quan hệ công chúng (PR)
Quan hệ công chúng (PR) được định nghĩa là tập hợp các phương pháp và hoạt động giao tiếp mà một cá nhân, tổ chức hoặc chính phủ sử dụng để tăng cường sự hiểu biết, đồng thời xây dựng mối quan hệ tích cực với các đối tượng khác ở bên ngoài.
Mục đích chính của PR là thiết lập và duy trì hình ảnh tích cực của công ty trong mắt khách hàng mục tiêu. So với các công cụ truyền thông Marketing khác, PR có thể tạo dựng sự tin tưởng, từ đó khiến giảm sự hoài nghi của người tiêu dùng khi đứng trước thông tin có lợi về một sản phẩm hoặc dịch vụ.
Một số hình thức quan hệ công chúng phổ biến bao gồm tham gia các hoạt động cộng đồng, gây quỹ từ thiện, tài trợ cho các sự kiện, tổ chức họp báo ra mắt và giới thiệu sản phẩm mới. Ngoài ra, thông tin về doanh nghiệp hoặc sản phẩm của doanh nghiệp thường được phát tán dưới dạng câu chuyện, tin tức trên các phương tiện truyền thông xã hội và các trang báo uy tín.
Các chiến lược PR thông minh và hiệu quả có thể giúp tạo ra những câu chuyện hấp dẫn về thương hiệu và sản phẩm, thu hút sự chú ý từ công chúng và tạo dựng lòng tin vững chắc, đồng thời nâng cao uy tín và danh tiếng của doanh nghiệp. PR là một công cụ IMC quan trọng giúp doanh nghiệp giao tiếp và tạo liên kết sâu hơn với khách hàng, đối tác và cộng đồng.
Tài trợ (Sponsorship)

Tài trợ là hoạt động thương hiệu có các chương trình hỗ trợ tài chính, cá nhân hoặc hoạt động để đổi lấy lợi ích quảng bá. Danh mục tài trợ thường rất đa dạng, từ chương trình cộng đồng, các sự kiện, triển lãm nghệ thuật hay các chương trình truyền thông cho tổ chức/cá nhân.
Quảng cáo cho thương hiệu tài trợ thường thực hiện thông qua các banner, áp phích, logo về sản phẩm, thông báo, sự kiện quảng bá thương hiệu và nhiều hình thức khác. Tài trợ tạo điều kiện cho thương hiệu thu hút sự chú ý và tạo liên kết với đối tượng mục tiêu.
Tài trợ có hai hình thức chính:
- Tài trợ như một khoản đóng góp của doanh nghiệp: Trong hình thức này, thương hiệu đóng góp tài chính cho sự kiện, chương trình hoặc tổ chức mà họ muốn quảng bá. Đổi lại, thương hiệu sẽ nhận được các quyền lợi và tiện ích quảng bá thương hiệu trong các hoạt động đó.
- Tài trợ để xây dựng lợi thế cạnh tranh: Thương hiệu sử dụng tài trợ nhằm xây dựng liên kết và tạo lợi thế cạnh tranh với các đối thủ trong cùng lĩnh vực hoặc thị trường. Điều này có thể là việc tài trợ cho các đội thể thao, các sự kiện lớn hoặc tổ chức nghệ sĩ nổi tiếng để tạo sự chênh lệch và ưu thế cho thương hiệu trước mắt khách hàng.
Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc trong việc lựa chọn tài trợ để không làm mất đi tính nhất quán của thông điệp truyền thông tiếp thị khác của thương hiệu. Khi liên kết với sự kiện hoặc hoạt động không phù hợp với giá trị và tôn chỉ của thương hiệu, hoạt động tài trợ sẽ gây bất lợi và ảnh hưởng đến sự tin tưởng của khách hàng đối với sản phẩm/dịch vụ đó.
Bán hàng cá nhân (Personal Selling)
Đây là hình thức bán hàng trực tiếp giữa người nhau, trong đó người bán cố gắng thuyết phục khách hàng tiềm năng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty. Không giống như quảng cáo hay các công cụ truyền thông Marketing khác, bán hàng cá nhân thường là việc tiếp xúc trực tiếp giữa người bán và người mua hoặc qua trung gian thông qua các công cụ như điện thoại, email, hoặc gặp trực tiếp tại cửa hàng, triển lãm.
Ưu điểm của hình thức bán hàng cá nhân là có thể nhận biết được phản ứng của người mua tiềm năng, từ đó sửa đổi thông điệp hoặc cách tiếp cận để phù hợp với nhu cầu và quan tâm của khách hàng. Ngoài ra, khách hàng cũng được nhìn thấy tận mắt sản phẩm và hiểu rõ sản phẩm cụ thể nhất. Điều này giúp tạo ra sự tương tác cá nhân, xây dựng lòng tin và tạo dựng mối quan hệ thân thiện giữa người mua và người bán.
Hình thức truyền thông này còn cho phép người bán thích nghi linh hoạt với từng tình huống bán hàng cụ thể, đồng thời đưa ra các giải pháp tùy chỉnh để giải quyết những thắc mắc hoặc khó khăn của khách hàng. Đây là cách tạo ra sự chuyên nghiệp, từ đó nâng cao khả năng thành công trong việc chốt giao dịch và duy trì quan hệ lâu dài với khách hàng.
Mặc dù bán hàng cá nhân đòi hỏi nhân viên kinh doanh phải có kỹ năng giao tiếp xuất sắc và kiên nhẫn nhưng hình thức này mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển mạng lưới khách hàng trung thành và đáng tin cậy.
Trên đây là 6 công cụ truyền thông Marketing phổ biến và được các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất hiện nay. Việc nắm rõ những ưu nhược điểm của từng công cụ sẽ giúp thương hiệu biết cách cân chỉnh để đưa ra những chiến lược phù hợp nhất.
- Mô hình kinh doanh là gì? TOP 15 mô hình kinh doanh hiệu quả nhất hiện nay - 30 Tháng Mười Một, 2023
- Một số sách Marketing công nghiệp nổi bật nhất 2023 - 30 Tháng Mười Một, 2023
- Quy trình các bước để dựng một video giới thiệu doanh nghiệp - 30 Tháng Mười Một, 2023